Ngoài ra, cùng với việc ngồi sập, người Việt – nhất là giới quý tộc – còn thường sử dụng gối xếp để tựa tay, tựa lưng lên tránh mỏi lưng. Gối xếp thường có dạng các lớp gối hình hộp gắn liền nhau, khi dùng thì xếp chồng rồi tựa tay lên (cũng có khi gối tựa có dạng một khối liền, nhưng chủ yếu vẫn là gối dạng gối xếp)
Về tập tục này, dù hiện chỉ còn tranh ảnh thời Lê và Nguyễn còn khắc họa lại, ta cũng có thể suy về thời Lý Trần, thậm chí thời kỳ sơ khởi cũng không có nhiều điểm khác biệt, vì phong thái cung cách này mang đậm tính thói tục bản địa, nếu khác thì có chăng là hình dáng, họa tiết của sập, chiếu mà thôi.
“An Nam Chí Lược” – Quyển 1 – chương “Phong tục” chép về thói quen tập tục của người An Nam thời Trần rằng: “Dân văn thân hiệu Ngô Việt chi tục… Địa thử nhiệt, hiếu dục ư giang, cố tiện đan thiện thủy. Bình cư bất quán, lập nghĩa thủ tịch tọa bàn song túc,” dịch nghĩa – “Dân vẽ mình bắt chước tục người Ngô, người Việt… vì khí hậu nóng nực, dân ưa tắm ở sông, nên họ chèo thuyền và lội nước rất giỏi. Ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì trải chiếu xếp bằng hai chân.”
Qua thói quen ngồi bệt này (cũng như với tục đi võng, vác kiếm…), ta cũng có thể hiểu rõ hơn về quan điểm, phương thức học hỏi văn minh nước khác của cha ông thuở trước: Dù kiểu dáng đồ cụ, phục trang có ảnh hưởng phong cách tạo tác của Trung Quốc, dù hoa văn họa tiết có học hỏi của Trung Quốc, thì với việc lưu giữ cái thói tục đặc trưng của mình, nhất quán qua các thời đại, phổ biến trong mọi tầng lớp, thì văn hóa Việt vừa mang đậm màu sắc phương Đông, mà vẫn tạo nên bản sắc rất độc đáo riêng biệt của dân tộc mình. Đó chính là cái tinh hoa văn hóa, là điểm tiến bộ của cha ông mà nay chúng ta phải học hỏi và kế tục vậy.
SẬP, PHẢN, CHÕNG
Dựa theo một số tranh ảnh và ghi chép để lại, thì có thể thấy các hoạt động sinh hoạt thường nhật của người Việt thời Lê Nguyễn luôn gắn với chiếc sập, vốn ít nhiều ảnh hưởng từ Lượng Tháp của Trung Quốc. Nói là gắn bó cũng không ngoa vì mọi sinh hoạt từ trang nghiêm đến dung dị đều gắn liền với thứ đồ cụ này: ăn uống, ngủ nghỉ, viết lách, tiếp khách, ngắm cảnh, thưởng vũ nhạc chủ yếu diễn ra trên chúng. Trên sập còn thường trải thêm chiếc chiếu.
Đại tháp – xuất xứ từ Trung Quốc, có khuôn dạng như chiếc giường rộng bản mà thấp, có chức năng rất đa dạng, có thể được sử dụng như bàn ghế giường tùy lúc tùy thời điểm.
Cũng giống như các đồ cụ được bày bố trong phòng thất khác như kỷ (ghế), trác (bàn), sàng (giường), tọa (bệ), đại tháp hay sập của quý tộc thời kỳ Lê Trung Hưng và thời Nguyễn về chất liệu, kiểu dáng, lối chạm khắc trang trí nhìn chung có nhiều nét tương đồng với kiểu đại tháp thời Minh Thanh (thời Lê Sơ về trước hiện còn hiếm tư liệu nên chưa thể định hình được, nhưng nhiều khả năng theo kiểu dáng tinh giản thời Đường Tống): gỗ làm bằng gỗ cứng, gỗ chắc, chạm trổ cầu kỳ hoa mỹ, kiểu dáng Yêu Thúc và Quyển Thối xuất hiện và phổ biến. Ở giữa mặt thành tháp thời Thanh (Trung) và Nguyễn (Việt) còn thường chạm khắc mặt linh thú.
Trên đây là kiểu đại tháp của quý tộc quan lại, còn tầng lớp bình dân, hoặc một vài trường hợp khác thì sử dụng kiểu tháp đơn giản hơn nhiều, chỉ gồm một chiếc ván bằng tre trúc hoặc gỗ phiến làm tâm diện, gắn thêm 4 chân làm trụ đỡ, đó là phản hoặc chõng…
Thường khi ngồi sập, phản thì chủ nhà, bậc đại nhân tôn quý mới ngồi hẳn lên trên , còn khách và người dưới thì ngồi bên mép, đứng hầu bên cạnh hoặc ngồi ghế đẩu kế bên, tùy hoàn cảnh và địa vị, nhưng đều tỏ ý tôn quý người chủ, thể hiện mình kém bậc hơn.
Ở Hàn Quốc thời Joseon, chủ yếu người ta ngồi xếp bàn lên sàn để sinh hoạt. Cũng có khi họ ngồi trên kỷ và trường kỷ (chỉ loại ghé để chân xuống đất bằng) đại tháp hầu như không thấy. Lối ngồi này cũng được thấy trên tranh mô tả cảnh tại phủ chúa Nguyễn thế kỷ 17 do người Nhật vẽ, chưa rõ độ phổ biến của nó ở nước ta trong quá khứ thế nào.