Theo điển chế, Nhật Bình là Thường phục của Thái hậu, Hoàng hậu, các bậc Công chúa, dùng cho các nghi lễ trang trọng quy mô không quá lớn, thì cũng là Triều phục cao quý nhất của Phi tần, Nữ quan và các Mệnh phụ. Áo Nhật Bình vốn dĩ xuất xứ từ áo Phi Phong phổ biến vào thời Minh Trung Hoa, với dạng thức áo đối khâm (cũng có thể gọi là trực lĩnh), được cài lại ở trước ngực bởi một nút thắt, đính thêm một miếng trang trí hình ngọc.
Do hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc, nên áo này gọi là áo Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng hình tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh. Ở tay áo đặc biệt có dải màu ngũ hành; lục, vàng, xanh, trắng, đỏ.
Tuy nhiên quy chế tay dãy màu này lại không áp dụng trên loại áo Nhật Bình của bậc Hậu.
Màu áo của bậc Hậu đều là màu vàng chính sắc, đôi khi là màu cam; còn bậc Công chúa đều là màu đỏ chính sắc, bậc Phi tần nhị giai là màu xích đào, bậc Tam giai là màu tím chính sắc và bậc Tứ giai là màu tím nhạt, bậc phi tần thấp hơn không có quy định trang phục này.
Màu sắc áo của các mệnh phụ quy định dựa vào phẩm cấp của chồng. Bậc Nữ quan có trang phục đơn giản hơn hẳn, gần với áo Phi Phong nguyên mẫu nhất.